I. Giới thiệu về Hoa Lan Đai Châu:
Hoa Lan Đai Châu có tên gọi tiếng anh là Rhynchostylis gigantean, được phát hiện lần đầu vào năm 1896 bởi Linbley. Nhiều người còn gọi loài lan này với nhiều tên gọi khác nhau như: Nghinh xuân, ngọc điểm, …..
Hoa lan đai châu là một loài hoa đẹp nên khá nhiều người yêu thích trồng tại nhà. Tuy nhiên để trồng và chăm sóc hoa lan đai châu này lại không hề dễ. Chúng tôi xin cung cấp những gợi ý nhỏ giúp bạn có thể tự trồng những chậu hoa đẹp nhé!
Lan đai châu cho hoa vào dịp Tết Nguyên Đán, chính vì thế rất được mọi người ưa chuộng.
II. Đặc tính của hoa lan Đai Châu:
Hoa lan Đai Châu có hoa là những chùm màu trắng tím rủ xuống. Hoa có mùi hương nhẹ nhàng, dịu dàng khiến người chơi hoa cảm thấy rất dễ chịu. Loại này hoa nở rất bền, có thể từ 30-45 ngày tuỳ vào việc chăm sóc của người trồng. Đây là loại hoa có sức chịu đựng rất tốt, do vậy cách chăm sóc cũng khá đơn giản.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều màu sắc như : trắng, tím, bò sữa, đỏ…. Đây là dòng đai châu công nghiệp được nghiên cứu và phát triển dựa trên cấy mô. Đặc điểm của loại này là đa dạng về màu sắc, cây khỏe dễ chăm sóc hơn.
III. Phân biệt giữa Đai Châu Thái và Đai châu rừng:
a. Qua thân lá :
Đai châu thái được nuôi trồng trong môi trường nhiệt độ và độ ẩm được kiểm soát. Nên vì thế nó phát triển rất nhanh và không bị mất phần lá chân hay xước xát.
Đai châu thái có lá thường ngắn, bản lá rộng và xếp khít với nhau. Đai châu rừng thường có ít lá đẹp, có nhiều vết xước khi vận chuyển và quá trình khai thác. Chính vì thế khi mua về Đai châu Thái thường đẹp hơn Đai châu rừng.
b. Qua mặt hoa :
Đai châu thái cho nhiều mặt hoa khác nhau với màu sắc cực kì đa dạng như: bò sữa, đỏ cam, hồng cánh sen…..Mặc dù vậy mặt hoa Đai châu thái vẫn có chùm bông và khuôn hoa dài hơn Đai châu rừng .
Mặt hoa Đai châu rừng chỉ có 1 màu trắng đốm tím mà thôi, tuy nhiên lượng đốm tím có hoa ít hoa nhiều tùy vùng miền nên vẫn làm nên sự đa dạng của mặt hoa.
Nhiều người cho rằng hoa Đai châu rừng thơm hơn hàng Thái, tuy nhiên trên thực tế thì cả 2 đều có hương thơm đặc trưng của từng loại, nhiều khi Đai châu rừng không đặc trưng, đậm mùi bằng hàng Thái. Vì vậy dựa vào mùi hương thì đây không phải là tiêu chí để phân biệt đánh giá Trâu Thái hay rừng.
IV. Cách trồng hoa lan Đai châu:
a. Gía thể trồng hoa lan đai châu
Lan Đai Châu rừng là một loài hoa phong lan khá dễ trồng, khoẻ, và cách trồng khá đơn giản, không phức tạp. Chính vì thế, giá thể trồng lan cũng không cần cầu kì, phức tạp. Lan Đai Châu rừng có thể trồng trên tất cả các giá thể trồng các loài lan khác. Nhưng thông thường người ta trồng lan bằng cách ghép lan vào các khúc gỗ có hình dáng đẹp như gỗ cây, gỗ lũa… Bạn nên chọn những khúc gỗ nhỏ để có thể treo trên giàn lan. Còn những khúc gỗ to thường được đặt trong chậu và đổ xi măng để giữ cho vững.
Cách trồng loại này có thể đơn giản hơn bằng cách trồng trong chậu nhựa với than củi trộn với rơm cọng nhỏ. Thường các giống lan đai châu rừng có nguồn gốc tự nhiên sẽ được trồng và ghép vào các khúc gỗ. Còn các giống đai châu công nghiệp thường được trồng trong chậu.
Cần lưu ý một chút đối với các giá thể trồng lan đai châu. Nếu bạn chọn ghép lan đai châu vào gỗ thì bạn nên chọn gỗ sưa, gỗ nhãn hoặc gỗ vú sữa là tốt nhất. Còn dùng chậu thì bạn nên chọn chậu bằng đất nung hoặc chậu gỗ trồng bằng than củi kết hợp với rơm cọng nhỏ hoặc vỏ thông.
b. Hướng dẫn ghép hoa lan đai châu lên gỗ
Chúng ta thường thấy lan đai châu được ghép vào các khúc gỗ. Đối với những khúc gỗ nhỏ và vừa có thể treo trên giàn, trong nhà, ngoài hiên rất tiện lợi cho việc chăm sóc. Hoặc ghép trên những thân gỗ to đặt cố định.
Đối với lan đai châu không kén chọn giá thể có thể ghép gỗ, ghép giỏ treo, ghép trụ tùy từng điều kiện mùa vụ để ghép tốt nhất vào khoảng từ tháng 3-8, mùa đông không lên ghép mà có thể treo ngược và chăm sóc qua mùa đến mùa xuân thì ghép.
Giá thể phải chưa sử dụng và chưa có hiện tượng mục nát. Cách ghép lan cũng rất quan trọng cho sự phát triển của cây cũng như thẩm mỹ cho nên khi ghép phải chú ý những điểm sau:
- Ghép sao cho đúng chiều (chú ý lan rừng khi ra hoa hướng nào thì ta đưa hướng đó ra phía ngoài vì nếu cho ngược sau này hoa ra sẽ không thoát khỏi kẽ lá để vươn ra ngoài và vừa không đảm bảo mỹ thuật.
- Phân chia đều khoảng cách giữa các cây ta nên ghép ngọn nhỏ ở trên ngọn to xuống dưới vì sau này các cây ở trên sẽ nhận được nhiều ánh sáng và sẽ lớn nhanh hơn so với phía dưới. Sau đó ta treo trên giàn chú ý treo không được để gần nhau quá sẽ làm ảnh hưởng tới những cây phía dưới sau đó ta tưới nước bình thường cứ 3-5 tiếng ta tưới 1 lần bất kể mùa nào trong năm.
V. Cách chăm sóc hoa lan Đai Châu chuẩn và hiệu quả
Với những người mới bắt đầu chơi lan thì thường lựa chọn những giò lan Đai Châu công nghiệp hay giò lan đã thuần nhiều năm tại các nhà vườn và chỉ cần chăm sóc trong những điều kiện cơ bản sau sẽ đảm bảo được cây sẽ khỏe mạnh và ra hoa đúng tết:
a. Về nhiệt độ và độ ẩm
- Nhiệt độ
Hoa phong lan đai châu là một loại lan chịu được nhiệt độ cao, có thể lên đến 38 độ C nhưng với điều kiện phải ở môi trường thoáng hơn bình thường và bạn cần phải tăng độ ẩm cho cây. Nhiệt độ tốt nhất từ 26 – 30 độ C. Hoa lan đai châu chịu lạnh khá kém, bạn không nên để hoa chịu lạnh dưới 10 độ C. Vậy nên vào mùa đông phải đặc biệt chú ý đến cây, tránh để cây có bệnh. Lúc ấy cần chuyển cây đến một vị trí ấm hơn để tránh rét khiến nụ hoa bị chết, hoặc không thì cần phải che chắn cho cây thật cẩn thận.
- Độ ẩm
Hoa lan đai châu ưa độ ẩm cao phải từ 50 – 60%. Chính vì thế cách chăm sóc lan đai châu là phải thường xuyên tưới nước để đảm bảo độ ẩm cho hoa. Cách chăm sóc hoa phong lan đai châu bằng cách tưới nước thường xuyên, hàng ngày và cần chú ý với những ngày hè nắng gắt cũng như những ngày mùa đông hanh khô bạn nên tưới cho cây từ 2 đến 3 lần. Các nhà vườn thường tưới 4 đến 5 lần cho cây là cách tốt nhất. Thời điểm tốt nhất để tưới nước cho cây là vào sáng sớm hoặc chiều mát. Khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột thì bạn vẫn cần tưới nước để cung cấp độ ẩm cho cây phát triển.
b. Độ thoáng và ánh sáng
Phong lan đai châu ưa sáng bình thường và cần phải thoáng gió. Cách chăm cho hoa phong lan Đai Châu là bạn nên chọn chỗ thiên thời địa lợi nhất trong vườn hoa để treo những chậu hoa phong lan đai châu. Điều này tại điều kiện cho cây phát triển tốt nhất mà không bị bệnh tật. Không nên che bịt chậu lan quá kín mà nên để thông thoáng .
Ánh sáng cũng là một yếu tố tác động đến lan Đai Châu khá nhiều do thiếu ánh sáng quá cây sẽ rất dễ bị bệnh thối nhũn nhưng nếu để nắng quá mà không che chắn thì cây sẽ bị cháy là không phát triển được. Ánh sáng vừa đủ nhất cho sự phát triển của cây là khoảng 70%.
c. Phân bón và thuốc trừ sâu
Để bảo vệ hoa lan đai châu tốt nhất, bạn nên phun thuốc chống nấm thường xuyên khoảng 1 lần/ tháng và đặc biệt khi thay đổi thời tiết. Mưa nhiều cũng là thời kỳ thuận lợi cho bệnh phát triển. Để tránh điều này chúng ta sẽ dùng rezomin để phòng tránh thối cho cây.
Ngoài ra một bệnh nữa mà lan Đai Châu hay mắc phải là bị ruồi vàng châm gây bệnh cho lá. Để tránh điều này bạn cần sử dụng dung dịch thuốc đặc trị ruồi vàng.
VI. Một số bệnh thường gặp khi trồng hoa lan đai châu
a. Bệnh do các các tác nhân không kí sinh
Các tác nhân này bao gồm các yếu tố tạo nên điều kiện sống của cây như độ ẩm, pH, cấu trúc, độ thoáng khí, dinh dưỡng, ánh sáng… Khi các điều kiện này không thích hợp cây sẽ bị suy yếu, bị ảnh hưởng sức sống và bị bệnh.
Biện pháp phòng trừ: Để phòng các bệnh sinh lý này, chúng ta chỉ cần tìm hiểu, nắm rõ kiến thức. Trồng và chăm sóc đúng cách thì sẽ phòng tránh được. Khi phát hiện một số biểu hiện này, chỉ cần theo dõi, điều chỉnh chế độ chăm sóc là cây có thể khỏe mạnh trở lại.
b. Bệnh do các tác nhân kí sinh
• Bệnh thối đen
Đặc điểm phân biệt bệnh thối đen và thối nhũn. Thối đen không có mùi hôi, hoặc có rất rất ít mùi hơi tanh.
• Bệnh thán thư
Bệnh này làm lá khô từ từ, khô từ chóp là vào tới cuống và rụng đi. Bệnh càng phát mạnh khi ánh sáng thấp, độ ẩm cao và lan thiếu chất, đặc biệt là lân.
Phần bị bệnh thường màu nâu hoặc đen, hơi lõm xuống so với chỗ không bị bệnh.
• Bệnh đốm lá
Đây là một trong những bệnh hại phổ biến nhất ở cây lan. Nguyên nhân có thể là một trong số những loài sau:
+Nấm Cercospora: Lúc mới nhiễm, biểu hiện là một điểm lá chuyển sang màu vàng ở mặt dưới lá. Sau lan rộng ra xung quanh không theo hình thù cố định. Màu sậm dần, chuyển sang nâu tím đến tím đen.
+Nấm Guignardia: Biểu hiện bị bệnh là nhứg đốm tím rất nhỏ, kéo dài 2 bên mặt lá. Phát triển tahnfh các vệt hình thoi, các vệt kết hợp lại thành tổn thương lớn hơn. Cây chủ yếu bị bệnh khi lan không đủ ánh sáng.
+Nấm Phyllosticta: Có thể bắt đầu bệnh từ bất kể điểm nào trên lá hoặc giả hành. Các tổn thương rất nhỏ, màu vàng, hơi lõm. Sau một thời gian, vết bệnh chuyển dần màu nâu sẫm hoặc đỏ đến tím đen. Cuối cùng thành màu đen. Bệnh nặng lá bị nhiễm có thể rụng sớm.
+ Nấm Septoria: Các đốm nhỏ bắt đầu ở hai mặt lá. Vết bệnh màu vàng, lan rộng chuyển nâu sẫm, thành mảng lớn khiến lá rụng sớm.
c. Bệnh héo úa
Lá sẽ có những vệt, những điểm lõm trũng xuống. Dần dần sẽ tạo thành các vệt lõm trũng màu vàng. Lá già trở lên sần sùi và lá non thì chuyển dần sang màu đỏ. Cây lan sẽ chết rất từ từ, sau khoảng 3-9 tuần thậm chí cả năm.
d. Bệnh thối rễ do nấm Rhizoctonia
Nấm Rhizoctonia gây bệnh dưới gốc và bộ rễ. Nhưng bằng mắt thường bạn cũng có thể thấy những biểu hiện trên thân, lá, giả hành. Dó là sự héo đi của lá, teo tóp nhăn nheo của giả hành. Nếu chỉ là hư rễ mà chưa hư tới thân thì lá sẽ nhăn nheo héo rũ xuống, cây đứng ngọn lại không dài ra nữa…. Rồi từ từ cây cũng chết đi.